Tại hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo về tạo giá trị chung tại Boston năm 2013, giáo sư Michael E. Porter (trường Kinh doanh Harvard) phát biểu, bên cạnh vai trò tạo ra lợi nhuận kinh doanh, đã có sự chuyển biến lớn trong cách tiếp cận về vai trò của doanh nghiệp trong xã hội. Đó là từ hoạt động từ thiện (tặng tiền cho các mục đích xã hội có ý nghĩa, hoạt động tình nguyện), tới CSR (Corporate social responsibility – trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – tuân thủ các chuẩn mực của cộng đồng, là một công dân doanh nghiệp tốt, “bền vững”) đến cách tiếp cận mới nhất là CSV (Creating shared value – Hợp tác tạo giá trị chung), tức là tích hợp các vấn đề và thách thức xã hội vào quá trình tạo ra giá trị kinh tế của doanh nghiệp.
Theo Porter và Kramer, có ba cấp độ về CSV, bao gồm:
1. Đáp ứng nhu cầu xã hội thông qua các sản phẩm, tiếp cận những khách hàng chưa được phục vụ hoặc chưa được phục vụ tốt;
2. Tái định nghĩa “hiệu suất” trong chuỗi giá trị bằng cách sử dụng các nguồn lực, nhà cung cấp, logistics và nhân viên một cách hiệu quả hơn;
3. Cải thiện môi trường kinh doanh địa phương bằng cách cải thiện kỹ năng, nền tảng cung ứng, môi trường pháp lý và hỗ trợ các tổ chức trong cộng đồng mà doanh nghiệp hoạt động.
Ví dụ một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tư vấn cho nông dân về phương thức trồng trọt, giúp họ có được giống, phân bón, thuốc trừ sâu, và trả giá cao hơn giá nếu sản phẩm tốt hơn. Năng suất và chất lượng cải thiện giúp thu nhập nông dân tăng, ảnh hưởng xấu tới môi trường giảm, nguồn hàng cho doanh nghiệp ổn định và chất lượng sản phẩm cải thiện. Như vậy, “giá trị chung” được tạo ra.
Hay một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đưa CSV vào chiến lược hoạt động của mình bằng cách dùng thế mạnh về công nghệ thông tin và lấy giá trị cốt lõi công nghệ để hỗ trợ xã hội giải quyết các bài toán giao thông, y tế và vừa tạo ra hướng kinh doanh mới cho công ty trong lúc mang lại lợi ích cho xã hội.
Không giống CSR có xu hướng bị các yếu tố bên ngoài thúc đẩy và bị xem như khiến doanh nghiệp tốn chi phí, CSV được tạo dựng từ bên trong doanh nghiệp, là tâm điểm của chiến lược kinh doanh, tạo ra lợi nhuận. CSR là thiên về trách nhiệm; CSV thiên về tạo ra giá trị.
Trong bối cảnh sự hiểu biết thực sự về CSR ở các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, theo bà Dana Doan, sáng lập và cố vấn chiến lược của trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN tại TP.HCM, ở thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp cần phải vượt ra khỏi những hoạt động CSR cơ bản (mà cơ bản nhất là không làm tổn hại tới môi trường và cộng đồng trong khi tìm kiếm lợi nhuận), họ cần tập trung nhiều hơn vào thực hiện CSV. “Các nghiên cứu gần đây của Cimigo và Nielsen cho thấy thế hệ Thiên niên kỷ đang ngày càng tạo áp lực cho các công ty phải có những đóng góp tích cực hơn nữa cho xã hội, nên việc chuyển đổi sang CSV sẽ sớm diễn ra,” bà nhận xét.
Vậy có phải các doanh nghiệp ở các nước đã phát triển dễ dàng tích hợp CSV vào chiến lược kinh doanh của mình hơn so với ở các nước đang phát triển? Trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam, ông Kramer cho rằng, qua nghiên cứu, ông gặp nhiều ví dụ về CSV ở các thị trường đang phát triển hơn, một phần vì hạ tầng, sản phẩm và các hệ thống phân phối ở các thị trường đang phát triển thường kém hơn, nên các công ty muốn phát triển kinh doanh thường sẽ phải nghĩ cách vượt qua những hạn chế của môi trường đó.
Ông chia sẻ thêm: “Với các nước đang phát triển như Việt Nam, có rất nhiều lợi ích để đưa doanh nghiệp tham gia giải quyết các thách thức xã hội, phát triển hạ tầng, cải thiện năng suất của các hộ gia đình nhỏ, giúp đào tạo huấn luyện nhân lực. Các doanh nghiệp có những khả năng độc đáo để đáp ứng nhu cầu xã hội. Họ không thể thay thế vai trò của chính phủ hay NGO, nhưng họ có thể là đối tác quan trọng trong quá trình phát triển xã hội.”
GS Michael Porter viết trên HBR, lối tiếp cận tạo ra giá trị chung này giúp tái kết nối thành công của công ty với sự tiến bộ của xã hội. Theo ông, để làm được như vậy, các chủ doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, trong đó, khó khăn là họ phải rời xa mục tiêu hạn hẹp là lợi nhuận mà tập trung vào tạo dựng giá trị chung, tầm nhìn và mục tiêu lâu dài, rộng hơn.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, giám đốc văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (thuộc VCCI) kiêm tổng thư ký hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), các doanh nghiệp Việt Nam hiểu về cách tiếp cận CSV chưa nhiều, và có rất ít sự kiện chia sẻ về CSV. Dưới góc nhìn của bà Dana Doan, Việt Nam cần nói nhiều hơn về CSV.
“Khi chúng ta nói về CSV, các công ty dễ hiểu hơn rằng chúng ta cần hợp tác đối tác với nhau để tạo ra những sự phát triển cộng đồng tích cực. Đây mới là điều cần thiết,” bà cho biết. “Cách tiếp cận CSR hiện nay của các công ty làm hạn chế ảnh hưởng tích cực họ có thể tạo ra cho cộng đồng. Họ vẫn làm theo lối từ thiện truyền thống hơn là nghiên cứu và sử dụng các nguồn lực mà công ty có thể đem đến để giúp phát triển cộng đồng.”
Trích từ bài viết của Khổng Loan – Forbes Việt Nam (8/2016)
Vào ngày 19/5 vừa qua, hội nghị ‘Làm việc tốt thì tốt cho doanh nghiệp” do LIN đồng tổ chức với EuroCham và HAWEE đã diễn ra. Tại đây, người tham dự đã có cơ hội được lắng nghe những câu chuyện truyền cảm hứng từ các công ty và tổ chức địa phương về việc họ đã kết nối với cộng đồng và các tổ chức phi lợi nhuận như thế nào để xây dựng cộng đồng bền vững và cùng lúc đó, cũng có được những lợi tức kinh doanh phù hợp.
Nếu bạn hứng thú muốn tìm hiểu thêm về lĩnh vực này, đặc biệt là trong việc phát triển hợp tác đa phương, vui lòng liên hệ cô Nguyễn Thị Thanh Trúc (tiếng Việt) qua email: truc@linvn.org hoặc cô Jenny O’Brien (tiếng Anh qua email jenny@linvn.org